Mùa mưa, thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có hệ xương khớp yếu hoặc đang mắc bệnh xương khớp. Dưới đây là những bệnh lý xương khớp thường gặp vào mùa mưa và cách phòng ngừa hiệu quả.
- Viêm khớp
Mùa mưa, độ ẩm cao và áp suất không khí thay đổi có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp hoặc làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các triệu chứng của viêm khớp bao gồm đau khớp, sưng tấy, cứng khớp và hạn chế cử động.
Cách phòng ngừa và điều trị:
Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các khớp tay, khớp chân.
Duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá thu, và hạt chia.
Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng để giữ cho các khớp linh hoạt.
Sử dụng các thuốc giảm đau và kháng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là hiện tượng suy giảm và hư hỏng của sụn khớp, xương dưới sụn, thường gặp ở người lớn tuổi. Khi thời tiết ẩm ướt, cảm giác đau nhức ở các khớp có thể tăng lên do sự thay đổi áp suất và độ ẩm không khí.
Cách phòng ngừa và điều trị:
Tập luyện đều đặn để duy trì sức mạnh và độ linh hoạt của khớp.
Tránh các hoạt động gây áp lực lớn lên khớp, như nâng, vác đồ nặng hoặc chạy bộ quá nhiều, tập các động tác thể dục quá mạnh.
Sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu hoặc một số bài tập tại nhà (theo hướng dẫn của bác sĩ) để giảm đau và cải thiện chức năng khớp.
- Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn xảy ra do sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể, gây ra viêm, đau và sưng bàn tay, cổ tay, gối, cổ chân, bàn chân… Thời tiết lạnh và ẩm ướt có thể làm tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách phòng ngừa và điều trị:
Giữ ấm cơ thể, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội để duy trì độ linh hoạt của khớp.
Áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như xoa bóp, châm cứu.
Nếu bệnh nặng nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Gout
Gout là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tăng acid uric trong máu và lắng đọng tại các khớp gây viêm đau. Vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát cơn đau gout có thể tăng do việc ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý.
Cách phòng ngừa và điều trị:
Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu purin như hải sản, thịt đỏ, và rượu bia.
Uống nhiều nước để đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
Duy trì cân nặng lý tưởng và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
Sử dụng thuốc giảm đau và hạ acid uric máu theo chỉ định của bác sĩ.
- Đau lưng
Đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hoặc chấn thương. Mùa mưa, với thời tiết ẩm ướt và lạnh, có thể làm cho cơ lưng bị cứng và đau nhức nhiều hơn.
Cách phòng ngừa và điều trị:
Duy trì tư thế đúng khi ngồi, đứng và nâng vác đồ vật.
Tập các bài tập giãn cơ và tăng cường cơ lưng.
Tránh ngồi quá lâu và hãy đứng dậy, đi lại thường xuyên.
Sử dụng các biện pháp giảm đau như xoa bóp hoặc một số phương pháp giảm đau bằng sóng âm.
- Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm mạn tính ảnh hưởng chủ yếu đến cột sống, gây đau và cứng cột sống. Mùa mưa với thời tiết lạnh và ẩm có thể làm cho triệu chứng của bệnh này trở nên nặng hơn. Đối với bệnh lý này ngoài chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và thể dục đúng cách thì người bệnh nên điều trị dứt điểm nhờ sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn.
Mùa mưa là thời điểm mà các bệnh lý xương khớp dễ phát triển và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của thời tiết ẩm ướt và lạnh. Hãy chăm sóc tốt cho xương khớp và cơ thể của mình để có một cuộc sống khỏe mạnh và năng động.